CHUYÊN GIA MỸ BÀN VỀ VỤ THỦ TƯỚNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CẤM 3 TRANG BLOG

@ 18 September 2012 05:54 AM
{nl}Tin Hoa Thịnh Ðốn - Ba trang blog chính trị đã trở thành một đề tài nóng bỏng tại Việt Nam khi Thủ tướng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng chỉ trích những trang này trên truyền hình nhà nước. Hà Nội đã cho phổ biến thông điệp của Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo người dân không nên đọc 3 blog chính trị ẩn danh là Quan làm báo, Dân làm báo và Biển Ðông. Thông điệp trên truyền hình lên án những trang blog này là những âm mưu thâm độc của những lực lượng thù địch, và kêu gọi mọi người không đọc những trang này. Ðương sự cũng kêu gọi trừng phạt nặng nề những người chịu trách nhiệm những trang mạng này. Những trang blog được ưa chuộng đặc biệt tại Việt Nam, một quốc gia mà những người viết blog thường xuyên bị bỏ tù vì những tội phạm chống phá nhà nước và nhiều trang mạng bị ngăn chặn.

Dù bị chính thức lên án, những trang này không bị tường lửa ngăn chặn, do đó số người xem đã tăng vọt khiến cho nhiều quan sát viên phải đặt nghi vấn là tại sao những trang này bị cấm. Tất cả ba trang này đều chỉ trích chế độ, tuy nhiên có trang mang trọng tâm rõ rệt hơn trang khác. Quan làm báo tấn công trực tiếp Nguyễn Tấn Dũng, trong khi Dân làm báo có những mục tiêu rộng rãi hơn. Ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu mô tả một bài đặc biệt làm ông chú ý. Bài này chú trọng vào những phe phái chống đối nhau trong Ðảng Cộng sản, một bên là Nguyễn Tấn Dũng, và một bên là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Brown nói người viết bài phân tích hai phe nhưng cuối cùng cho rằng cả hai đều làm hại cho đất nước.

Nếu Nguyễn Tấn Dũng thắng thì cũng vẫn là chuyện tham nhũng, quyền lợi bè phái, và nếu phe kia thắng thì đất nước bị Trung Cộng giật dây. Một số người cho rằng có rất nhiều người vào trang này là một dấu hiệu cho thấy lời loan báo của Nguyễn Tấn Dũng có hậu quả trái ngược, những người khác nói là hành động này là hậu quả của việc tranh chấp quyền lực trong đảng Cộng sản, phát xuất từ chuyện tăng trưởng kinh tế chậm chạp, giá xăng dầu tăng cao và nhiều vụ tai tiếng tham nhũng xảy ra thường xuyên trong các tập đoàn quốc doanh.(SBTN)