THỦY ÐIỆN SÔNG TRANH 2 RUNG LẮC LIÊN MIÊN, DÂN SỐNG TRONG THẤP THỎM

@ 20 September 2012 06:00 AM


Tin Quảng Nam - Hôm qua có hai trận động đất nhẹ xảy ra ở khu vực huyện Bắc Trà My nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2 đang có nhiều vấn đề an toàn nhưng chờ lệnh để tích nước hoạt động.

Theo báo chí trong nước, khoảng 0 giờ 37 phút, xảy ra một trận động đất nhẹ nhưng đến khoảng 5 giờ sáng thì có một cơn chấn động mạnh hơn đo được 2.7 độ Richter. Khoảng một năm qua, người dân thuộc huyện này và nói chung 1.5 triệu người ở hạ du đập thủy điện Sông Tranh đang sống trong nỗi âu lo thường trực bởi nguy cơ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ trầm trọng từ các vết nứt hồi tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó suốt từ năm ngoái đến nay, có tới 52 trận động đất đã xảy ra ở khu vực này tức là gần như hàng ngày. Có tới 6 trận động đất xảy ra nội buổi tối ngày 3 tháng 9 mà cơn chấn động mạnh nhất là 4.2 độ Richter. Từ khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã có hàng chục cơn dư chấn xảy ra trên địa bàn huyện. Những đợt dư chấn liên tiếp tối 3 tháng 9 xảy ra với cường độ mạnh nhất từ trước đến nay, có đợt dư chấn vang rền kéo dài khoảng 5 giây như tiếng sấm. Nhiều nhà của người dân đã bị nứt. Một số công trình công cộng như trường học cũng nứt.

Hồi tháng 3, nước chảy xối xả như thác nhỏ từ thân đập, qua các khe nứt hoặc lỗ rò rỉ từ trần và hai bên vách trong đường hầm xuyên qua đập Sông Tranh 2. Lúc đầu thì nhét giẻ, nhét ít chất nhựa, đóng cọc thấy không ăn thua phải mời một số chuyên viên ngoại quốc tới. Sau nhiều tháng trời, ngày 30 tháng 8 ban quản lý Dự Án Thủy Ðiện Sông Tranh 2 thông báo đã sửa chữa xong. Thế nhưng nhiều nhà khoa học trong nước đã nêu ra nhiều dẫn chứng để nói đập này không an toàn và nguy cơ vỡ đập khá cao.

Tuy nhiên Bộ trưởng bộ công thương trả lời cuộc chất vấn ở Quốc Hội vẫn cả quyết cái đập an toàn, nhưng độ rung lắc của nền đất cả vùng huyện Bắc Trà My làm cho cả những người cầm đầu tỉnh Quảng Nam và huyện cũng trở nên sốt ruột. Ít nhất có 4 trường học và 20 nhà của dân bị nứt nẻ vì động đất. Dân sống thấp thỏm, thấy rung lắc là vội chạy ra khỏi nhà. Một số cư dân địa phương là người sắc tộc thiểu số đã bỏ nhà chạy trốn vào rừng sâu.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}