HẢI QUÂN MỸ CAM KẾT BẢO ÐẢM TỰ DO LƯU THÔNG HÀNG HẢI Ở CHÂU Á

@ 27 October 2012 06:57 AM


Tin Manila - Chỉ huy trưởng hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington hôm nay khẳng định tại Manila Phi Luật Tân rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á là nhằm bảo đảm tự do lưu thông tại các hải phận đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển, trong đó có Trung Cộng. Thuyền trưởng Gregory Fenton tuyên bố một trong những lý do Hoa Kỳ đưa lực lượng trong vùng là để bảo vệ các nguyên tắc tự do lưu thông. Việc này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ khi tính tới trao đổi thương mại trong khu vực. Hàng không mẫu hạm USS George Washington đã có mặt tại hải phận Ðông từ nhiều ngày qua và ghé thăm một số hải cảng, cũng như đã hiện diện ở hải phận quốc tế, ngoài khơi Việt Nam và đón một phái đoàn các quan chức Cộng sản Việt Nam ra thăm.

Từ hôm qua, tàu USS George Washington đã tới vịnh Manila. Biển Ðông rộng khoảng 3 triệu cây số vuông, được cho là có nguồn hải sản dồi dào và tiềm năng lớn về nhiên liệu, đồng thời là nơi đang diễn ra những tranh chấp chủ quyền. Trung Cộng tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích của Biển Ðông trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng Giêng năm 1974, Trung Cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Trong khi đó, Trung Cộng, Ðài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei, đều tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa.

Mặt khác từ nhiều tuần qua, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Cộng và Nhật Bản về quần đảo Ðiếu Ngư Senkaku đã dẫn đến những căng thẳng ở biển Hoa Ðông. Hôm nay tin cho biết tàu công vụ Trung Cộng lại thâm nhập vào hải phận chung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Tokyo đã cực lực phản đối hành động này, nhưng phía Bắc Kinh cho là tàu Trung Cộng chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong vùng lãnh thổ của mình.

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, ba chiếc tàu tuần tra Trung Cộng đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý chung quanh đảo Minamikojima, một chiếc tàu thứ tư đến sau khoảng một tiếng đồng hồ. Trong khi đó hai chiếc tàu ngư chính cũng xâm nhập vào trong hải phận 12 hải lý nhưng gần một đảo khác của quần đảo Senkaku Ðiếu Ngư. Trong một thông cáo, Tokyo cho biết là Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Chikao Kawai đã gọi điện thoại đến tòa đại sứ Trung Cộng để phản đối mạnh mẽ vụ xâm nhập hải phận này. Ngược lại, trích tin của Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã phản bác quan điểm của Nhật Bản, và khẳng định rằng tàu tuần tra Trung Cộng tiến vào hải phận nói trên là chuyện bình thường, và chỉ thi hành trách nhiệm tuần tra chung quanh Ðiếu Ngư để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Trung Cộng.

Cuộc tranh chấp Senkaku Ðiếu Ngư đã tác động đến trao đổi thương mại giữa hai bên, và lãnh đạo hai nước được cho là đã đồng ý thảo luận thêm trên vấn đề này. Theo tờ báo Nhật Mainichi Shimbun, đã có thỏa thuận để tổ chức vào tuần tới một cuộc gặp ở Tokyo, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Kawai và đồng nhiệm Trung Cộng Trương Chí Quân, để thảo luận về cuộc tranh chấp hiện nay.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}