GIỚI NHÂN QUYỀN KÊU GỌI TỔNG THỐNG MỸ GÂY ÁP LỰC VỚI CAM BỐT, VIỆT NAM

@ 16 November 2012 05:55 AM
Tin New York - Chế độ bạo ngược của Thủ tướng Hun Sen trong 20 năm qua đã gây vô số cái chết và nhiều trường hợp lạm quyền không bị trừng phạt. Với nhận định này, tổ chức Human Rights Watch thúc giục Tổng thống Obama làm áp lực với Phnom Penh khi ông đến dự Thượng đỉnh Ðông Á vào tuần tới. Trong khi đó một số những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của Việt Nam cũng lên tiếng yêu cầu ông Obama nhận xét về vấn đề này với quốc gia láng giềng của Cam Bốt. Trong chuyến công du Ðông Nam Á từ ngày 17 đến 20 tháng 11 tới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Cam Bốt tham dự hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á.

Ðây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân đến Nam Vang và sẽ gặp Thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ năm 1985. Nhân dịp này, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi Tổng thống Obama phải công khai yêu cầu Cam Bốt cải cách toàn diện về nhân quyền và chấm dứt tình trạng bao che cho tội ác. Tổng thống Mỹ phải nói với Hun Sen là người Mỹ biết rõ những gì đang xảy ra. Họ không chấp nhận và đang chờ cải thiện nghiêm túc. Phụ trách nhân quyền tại Á châu, ông Phil Robertson nhận định nếu ông Obama không nói đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt thì chuyến thăm viếng của Tổng thống Mỹ sẽ được chính quyền Hun Sen xem là một thái độ đồng tình.

Human Ritghs Watch ước định có hơn 300 người thiệt mạng vì các chiến dịch đàn áp chính trị của ông Hun Sen. Những vụ án giết người hay thủ tiêu này không bao giờ được tư pháp Cam Bốt điều tra tìm thủ phạm. Tình hình năm nay đặc biệt rất trầm trọng với ba nạn nhân bị ám sát: một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, một phóng viên và một thiếu nữ 14 tuổi bị cảnh sát bắn chết. Bản báo cáo của Human Ritghs Watch cũng nhắc đến một kết quả điều tra về vụ một cuộc biểu tình của đảng đối lập Sam Rainsy bị ném lựu đạn sát hại 16 người vào năm 1997.

Theo Liên Hiệp Quốc và cơ quan cảnh sát liên bang Mỹ FBI, thì thủ phạm vụ khủng bố đối lập này là lực lượng cận vệ của Thủ tướng Hun Sen. Hiện nay nhà đối lập Sam Rainsy phải lưu vong vì bản án kết tội ông gây chia rẽ giữa các dân tộc sau khi nhà đối lập dời một cột mốc biên giới với Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}