THỈNH NGUYÊN THƯ TRIỆU CON TIM MỘT TIẾNG NÓI ÐƯỢC CHUYỂN ÐẾN BỘ NGOẠI GIAO NA UY

@ 11 December 2012 07:44 AM
Tin Oslo - Vào trưa ngày hôm qua, một phái đoàn người Việt tại Na Uy đã gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Na Uy, ông Torgeir Larsen, và viên chức trách nhiệm Á Châu Sự Vụ để đưa tận tay bức thỉnh nguyện thư Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói với 125 ngàn chữ ký của những người quan tâm đến Nhân Quyền cho Việt Nam trên khắp thế giới. Phái đoàn cũng đưa ra ba đề nghị cụ thể: Thỉnh cầu chính phủ Na Uy bày tỏ thái độ một cách công khai đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lãnh vực Nhân Quyền; Cấp thiết bảo vệ các nhà dân chủ đang đứng lên đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam. Thỉnh cầu chính phủ Na Uy tham gia vào tiếng nói chung của nhiều nước đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ điều khoản 79 và 88 trong bộ luật hình sự của họ. Ðây là 2 khoản luật luôn bị nhà cầm quyền lạm dụng để trấn áp những người dân đứng lên đòi hỏi Nhân Quyền. Thỉnh cầu chính phủ Na Uy gởi đặc sứ đến Việt Nam để yêu cầu được đi thăm các nhà bất đồng chính kiến trong tù, quan sát tại chỗ tình trạng nhà tù vô cùng tệ hại ở Việt Nam hiện nay, và thẩm định sự công minh của tòa án đối với người bị xét xử.

Ðáp lời, ông Torgeir Larsen cho biết hàng năm giữa Na Uy và CS Việt Nam có cuộc hội thoại về Nhân Quyền. Qua các hội thoại này, Na Uy đã và sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề then chốt là Nhân Quyền giữa hai nước. Bản Thỉnh Nguyện Thư với hàng trăm ngàn chữ ký này sẽ là nền tảng rất tốt để Na Uy nhấn mạnh thêm nữa nhu cầu tôn trọng Nhân Quyền tại Việt Nam. Vào sáng cùng ngày, phái đoàn người Việt cũng đã tiếp xúc và trao Thỉnh Nguyện Thư Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói đến ông Heikki Holmaas, Bộ trưởng Bộ Phát triển.

Hiện nay Na Uy đang có một số chương trình viện trợ cho CS Việt Nam và có thể đặt điều kiện Nhân Quyền vào các khoản viện trợ này. Bộ trưởng Holmaas chia xẻ rằng ông biết chính đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu được tham dự các phiên tòa xét xử các nhà dân chủ, nhưng ngay cả các yêu cầu đó cũng không được đáp ứng. Ông Heikki Holmaas đồng ý về sự phi lý của điều 79 và 88 luật hình sự và sẽ suy nghĩ cách vận động các nước khác cùng tạo áp suất lên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ hoặc ngưng lạm dụng các điều luật đó. Cuối cùng, ông Heikki Holmaas đề nghị các tổ chức phi chính phủ người Việt tại Na Uy nên thường xuyên góp ý với chính phủ Na Uy để Na Uy có một chính sách hoàn hảo hơn trong nỗ lực giúp phát triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}