NHẠC SĨ PHẠM DUY QUA ÐỜI TẠI VIỆT NAM

@ 31 January 2013 07:11 AM


Tin Sài Gòn - Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời lúc 2 giờ 45 phút ngày hôm nay tại một bệnh viện ở Sài Gòn, Việt Nam, hưởng thọ 92 tuổi. Cái chết của người nhạc sĩ này gây nhiều bất ngờ cho người trong giới dù trước đó nhạc sĩ này từng nhiều lần ra vào bệnh viện do tuổi già. Cái chết của ông đến sau người con trai lớn là nam ca nhạc sĩ Duy Quang chỉ gần một tháng.

Trước đó người nhà giấu tin Duy Quang mất vì sợ Phạm Duy buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của ông. Nhưng khi biết tin, Phạm Duy không quá đau buồn vì ông biết con trai bệnh và sẽ không qua khỏi nên đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận. Nhạc sĩ Phạm Duy cảm thấy được an ủi hơn khi con trai mất trong tình cảm yêu thương của khán giả, bạn bè và người thân.

Tuổi cao sức yếu, thời gian qua Phạm Duy vài lần vào bệnh viện cấp cứu rồi lại xuất viện khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 2 tuần trước khi qua đời, ông còn có thể đi dạo được. Những người gần gũi ông giai đoạn cuối đời đều nhận xét khoảng một tuần trước khi mất, ông còn trao đổi thư từ qua email với bạn bè và thân hữu. Gia đình đã đưa ông vào bệnh viện 115 trong 3 ngày qua để cấp cứu nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng.

Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921, tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn có công trong việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông với số lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Nói về âm nhạc Phạm Duy, mỗi người đều có những nhận định riêng nhưng điều không thể phủ nhận ông là một trong những tượng đài, biểu tượng âm nhạc nhận được nhiều tình cảm của công chúng. Nhiều nhà phê bình, nhiều người đã viết về ông và giòng nhạc của ông. Ông cùng với gia đình sang Mỹ tỵ nạn và định cư vào năm 1975, tiếp tục sáng tác và sinh hoạt trong một thời gian dài. Ðến năm 2005, ông làm nhiều người bất ngờ và bất mãn khi tuyên bố sẽ về Việt Nam sống an hưởng tuổi già. Tại Sài Gòn, ông bán hết bản quyền nhạc của ông cho công ty Phương Nam để đổi lấy một căn nhà và sống tại đây. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn gây khó khăn cho những tác phẩm của ông và chỉ cấp phép biểu diễn cho một số những ca khúc, kể cả những bài trong tập Ðạo Ca gồm 10 bài cũng chỉ có 8 bài được cho phép phổ biến.

Tuy nhiên những buổi trình diễn nhạc của ông cũng được tổ chức ở nhiều nơi và thu hút được một số những khán giả ái mộ dòng nhạc của ông trước đây. Tại hải ngoại nhiều người chống đối việc ông về Việt Nam và cho rằng ông đã phản bội lại lý tưởng của người tỵ nạn, một số những bài ca quen thuộc của ông được sử dụng trong những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng vì thế mà bị thay thế bằng những nhạc phẩm khác.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}