BÁO CÁO NHÂN QUYỀN DÂN CHỦ 2012 TẠI VIỆT NAM CỦA BỘ NGOẠI GIAO ANH QUỐC

@ 1 May 2013 01:36 PM
Tin Luân Ðôn - Bộ Ngoại giao Anh quốc vừa cho phổ biến bản báo cáo nhân quyền hàng năm, trong đó những nhận định về Việt Nam cho rằng việc thiếu vắng trách nhiệm giải trình về mặt pháp lý và chính trị trong nhà nước CS Việt Nam độc đảng vẫn còn là một trở ngại trầm trọng đối với tiến bộ về nhân quyền. Các lĩnh vực lo ngại chính liên quan đến các quyền dân sự và chính trị, cụ thể là quyền tự do ngôn luận. Bản báo cáo viết: Trong năm 2012, đã có rất ít hoặc không có dấu hiệu cải thiện trong các lĩnh vực này. Mặc dù CSViệt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và một số quyền cụ thể, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, được ghi nhận trong Hiến pháp CS Việt Nam và luật pháp quốc gia, nhưng các cơ quan hữu trách không thực hiện nhiều quyền trong số những quyền mà luật trong nước và quốc tế quy định.

Tuy nhiên sự lan tỏa của mạng Internet đang làm gia tăng luồng chỉ trích hoặc độc lập hoặc có động cơ chính trị đối với nhà nước và các chính sách trên các trang blog và phương tiện truyền thông xã hội khác. Trong năm 2012 Ðảng Cộng sản đã cố gắng dập tắt mọi chỉ trích mà họ xem như một mối đe dọa cho sự ổn định của đảng CS Việt Nam hoặc đe dọa tới sự kiểm soát của họ. Việc thiếu một hệ thống tư pháp độc lập và minh bạch tạo điều kiện cho nhà nước bắt bớ bất cứ thách thức khả dĩ nào theo Ðiều 88 của Bộ luật hình sự cộng sản, tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước. Nhà cầm quyền tiếp tục kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống và sử dụng luật an ninh quốc gia và xử phạt hành chính để đẩy mạnh hơn nữa sự lãnh đạo của đảng.

Bản báo cáo viết rằng trong năm 2012, hoạt động nhân quyền của Vương quốc Anh tập trung vào ba lĩnh vực: vận động chính trị; thúc đẩy tự do ngôn luận trong đó có tự do phát biểu, tự do báo chí và Internet và quyền được truy cập thông tin; và thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch, bao gồm cả việc đấu tranh chống tham nhũng.

Anh quốc tiếp tục nêu mối lo ngại nhân quyền lên các cấp cao nhất, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao trong chuyến thăm vào tháng Tư, cựu Ngoại trưởng Jeremy Browne trong chuyến thăm vào tháng Bảy, và thường xuyên hơn bởi Ðại sứ vương quốc Anh tại Hà Nội. Bản báo cáo cho rằng không có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ áp dụng đường lối khoan dung hơn đối với tự do ngôn luận hay các quyền dân sự và chính trị khác.

Báo cáo cũng dự đoán quyền sử dụng đất sẽ là một vấn đề đáng lo trong năm 2013. Bản báo cáo đặc biệt nhắc đến trường hợp nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị bắt giữ và bị buộc tội rải truyền đơn chống phá nhà nước và những vấn đề an ninh, cũng như nhắc đến trường hợp của 3 bloggers Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đã bị kết án lên đến 12 năm tù về tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Vương quốc Anh và những quốc gia khác nêu lên những lo ngại chung của họ thông qua một tuyên bố ngoại giao về việc cầm tù những người này.

Bản báo cáo còn nhắc đến việc Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, tình trạng buôn người, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ Việt Nam sang các nơi khác trong khu vực, vẫn còn là một mối lo ngại lớn lao. Bản báo cáo kết luận rằng môi trường nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn quá yếu.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}