PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: HÀNG NGÀN LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT ÐANG CHẾT DẦN

@ 16 June 2013 06:55 AM
Thông tín viên SB-TN từ Việt Nam hôm nay gửi ra bản tin về làng nghề thủ công và truyền thống của người Việt đang chết dần...(video insert)

Làng nghề vốn là bộ mặt văn hóa của người Việt, do cha ông để lại từ ngàn xưa, cũng là phương tiện mưu sinh của hàng triệu lao động nông thôn, hiện nay đang rơi vào cảnh chết mòn, thậm chí nhiều nghề cổ truyền giờ chỉ còn là cái tên trong tiềm thức. Theo thống kê mới đây cho biết trong nước hiện có trên 3.500 làng nghề và làng có nghề. Có những làng nghề hàng trăm năm tuổi như Phú Vinh Hà Nội, Phước Kiều, Mã Châu tỉnh Quảng Nam, Mỹ Hòa tỉnh An Giang, Lư Cấm tỉnh Khánh Hòa, Phường Ðúc tỉnh Thừa Thiên Huế, đang điêu đứng, sản xuất ngưng trệ, người dân đổi nghề hoặc bỏ làng ra đi.

Chẳng hạn ở làng dệt lụa tơ tằm Mã Châu thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đâu đâu cũng thấy xưởng sản xuất đã ngừng hoạt động lâu ngày, khung cửi nhện bám đầy. Theo tổ trưởng tổ 1, khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, vào năm 1980 cả làng nghề có hơn 7.000 máy dệt gỗ nhưng hiện nay chỉ còn lại 500, máy móc phần lớn đã bị bán tháo. Lý do là thợ dệt hiện nay làm ròng rã 8 giờ mỗi ngày cũng chỉ lãi được 70.000 đồng, tức khoảng hơn 3 mỹ kim, vừa đủ tiền sống qua bữa.

 Một nghề khác ở thôn Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nổi danh một thời với các sản phẩm gốm sứ. Giờ đây làng nghề có truyền thống hơn 200 năm này chỉ còn khoảng 5 gia đình theo nghề gốm, sản xuất bếp ông Táo để cầm chừng giữ nghề. Kể đến Làng nghề mộc ở Chợ Thủ xã Long Ðiền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ai cũng biết đó là nơi nổi tiếng cả nước với những sản phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo.

 Do giá lúa thường xuyên bấp bênh, nông dân không có tiền để sắm sửa nên làng nghề này ngày càng đìu hiu. Một người theo nghề gia công hàng thủ công mỹ nghệ ở làng Chợ Thủ hơn 20 năm, nói ông cũng không khỏi ngậm ngùi khi thấy làng nghề ngày một sa sút. Cơ sở của ông giờ chỉ tập trung gia công một số món được đặt trước để nuôi sống anh em thợ chứ không còn mong làm giàu với nghề nữa.

Nếu cơ sở nào không có vốn mà đi vay ngân hàng làm ăn thì rất dễ bị phá sản. Ở thời điểm này, từ Bắc chí Nam, những làng nghề đã dần dần hoang phế. Nghề của ông cha để lại, cũng là bộ mặt văn hóa độc đáo của người Việt đang chìm dần trong một tương lai tăm tối.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}