HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN NGÀY CÀNG NHIỀU SƯƠNG MÙ ACID, MƯA ACID, VÀ Ô NHIỄM TRẦM TRỌNG

@ 19 June 2013 02:52 AM


TIN HÀ NỘI - Giới khoa học lại vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, sau khi thỉnh thoảng lại có một bức màn khói phủ khắp Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hòe, giảng viên Khoa Môi Trường của Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, cho biết, khi có mưa nhẹ trong những ngày Hà Nội bị khói bao phủ, ông ta đã thử kiểm tra nước mưa và thấy độ pH của nước mưa chỉ khoảng 5.0-5.5. Ðiều đó đồng nghĩa với việc có mưa acid ở Hà Nội và khói chính là sương mù acid, hay còn gọi là sương mù quang hóa. Thông thường, nhiệt độ của lớp không khí từ sát mặt đất đến độ cao khoảng 150 mét nóng hơn nhiệt độ của lớp không khí ở tầng bên trên. Nhờ vậy, khí thải từ động cơ của các loại xe và khói thải của các nhà máy sẽ được gió khuếch tán vào không trung.

Khi khí hậu diễn biến bất thường, lớp không khí ở tầng bên trên nóng hơn lớp không khí dưới mặt đất, hiện tượng đối lưu không xảy ra được. Lớp không khí sát mặt đất bị ứ đọng, các chất gây ô nhiễm ứ lại và cùng với hơi nước, tạo ra hiện tượng sương mù acid. Sương mù acid sẽ khiến mắt đau rát, thị lực giảm. Cây cối bị héo lá và có thể chết giống như khi gặp mưa acid. Sương mù acid và các tác động của nhiệt độ tăng cao, gây nguy hiểm cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh tim mạch.

Từ năm 2007, sau khi khảo sát về môi trường quốc gia, giới khoa học ở Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng không khí của các đô thị, các khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ trong hai năm, từ 2005-2007, kết quả thử nghiệm cho thấy, bụi và các chất độc hại trong không khí đã tăng từ hai tới bốn lần.Tuy nhiên, những cảnh báo này không được quan tâm đúng mức. Cũng theo ông Nguyễn Ðình Hòe, do độ ẩm thấp, dân Sài Gòn ít thấy hiện tượng sương mù acid nhưng mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn không thua Hà Nội. Tình trạng phần lớn trẻ em, người già tại Sài Gòn mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, chính là bằng chứng về mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn cũng rất trầm trọng. Ông Hòe tiết lộ, dù tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận ít có hiện tượng sương mù acid nhưng mưa acid xảy ra rất thường xuyên. Hiện nay, có từ 60% đến 70% trận mưa trong năm ở khu vực Ðông Nam Phần là mưa acid.

Cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu trong kiểm soát việc xả các loại khí thải vào không khí, chứa nhiều chất độc hại cho sức khỏe con người. Mặc dù giới nghiên cứu môi trường đã đề nghị nhiều lần nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa đầu tư để thiết lập hệ thống theo dõi tự động tại các đô thị và khu công nghiệp.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}