Hà Nội, cánh cửa đã khép lại: TGM Ngô Quang Kiệt sắp ra đi
Bảo Giang
Chỉ còn vài ngày nữa là Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt sẽ chính thức rời nhiệm vụ ở TGP Hà Nội. Con đường đi tim Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình do Ngài và giáo dân Hà Nội đã mở ra trong mấy năm vừa qua bằng máu và nước mắt sẽ đi về đâu?
Điều đó thì chưa ai biết. Nhưng có một điều chắc chắn chắn là: Ngày 7-5-2010 vừa qua đã là lần cuối cùng TGM Kiệt xuất hiện tại nhà thờ lớn trên cương vị TGM chính tòa Hà Nội. Nhưng sau đây, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nữa. Hình bóng ấy, tiếng nói ấy, tấm lòng thủy chung ấy và đặc biệt, những bước chân bì bõm lội nước bùn đi thăm dân của Ngài cũng chỉ còn là trong kỷ niệm và hoài vọng mà thôi.
Tại sao? Tại sao?
Không phải chỉ có một câu hỏi tại sao, nhưng còn hàng ngàn câu hỏi khác đã, đang và sẽ được đặt ra quanh vụ việc bổ nhiệm TGM phó và việc Ngài vội vã ra đi, giao nhiệm vụ TGM lại cho vị mới đến sẽ chẳng tìm ra được câu trả lời đích thực. Có chăng, cho đến nay, chỉ là những phỏng đoán và suy diễn mà thôi.
Bạn là người giáo dân tại Hà Nội. Bạn sẽ khóc hay vui mừng?
Bạn là người yêu Công Lý, Sự Thật và Hòa Bình bạn có cảm nghiệm gì về biến cố mang tính cách lịch sử này? Bạn có thấy là thất vọng lắm không?
Bạn là người công Giáo đang sống tại Việt Nam sẽ được nghe các đấng Bản Quyền của mình giải thích ra sao về vụ việc này?
Bạn là người công giáo gốc Việt Nam nay đang mang quốc tích ở các quốc gia đệ tam, hay là những người tỵ nạn cộng sản Việt Nam tại hải ngoại, luôn mong ước và hoạt động để đòi Tự Do Công Lý, Nhân Quyền và Độc Lập cho Việt Nam sẽ nghĩ gì?
Vâng, còn rất nhiều những câu hỏi khác nữa. Nhưng trong phạm vi của bản tin này. Tôi chỉ xoay quanh những câu chuyện còn nóng, cũng như là tình cảnh của những câu chuyện ấy vừa xảy ra vào ngày ngày 7-5-2010 tại Hà Nội mà thôi:
Trong thánh lễ gọi là Tạ Ơn và nghinh đón vị tân TGM phó Hà Nội có những điều xem ra khác lạ như sau:
1, Đoàn rước của các vị Chủ Tế và đồng tế đã vào bằng cửa hông nhà thờ thay vì cửa chính ở cuối nhà thờ.
2. Sau khi đoàn chủ tế bước qua cánh cửa hông nhà thờ, tất cà các cánh cửa ra vào nhà thờ đều đã được lệnh đóng lại. Đóng lại giống y như tình cảnh của các tông dồ gặp nhau trong lo sợ sau khi Đức Kitô bị đóng đinh trên Thánh Giá.
3. Trước đó, các đại chủng sinh làm công tác như là các nhân viên an ninh đã đến tịch thu tất cả những băng rôn cá nhân tán tụng hay hình ảnh của TGM Kiệt do các giáo dân mang vào trong nhà thờ.
4. Trong lúc bên trong có thánh lễ, có rất nhiều giáo dân phải đứng “xem lễ” qua khung cửa đóng kín vẫn trân trọng những tấm băng rôn quấn trên đầu, cầm trên tay hay những hình ảnh uy vũ của TGM Kiệt, trong trật tự. Không một tiếng hô ồn ào.
5. Trên tất cả mọi khuôn mặt, từ các vị chủ lễ đến các giáo dân ngồi trong nhà thờ cũng như người ngồi ở ngoài nhà thờ, không có lấy một chút hân hoan, Trái lại chỉ có những nét mặt buồn xo.
6. Khi lễ xong, đoàn chủ lễ kéo nhau ra về bằng cửa ở phía buồng áo của nhà thờ. Tất cả đều đi trong lặng lẽ, rời rạc, không hàng ngũ.
7. Vị TGM phó đi đơn côi một mình hai tay nắm chặt vào nhau như kẻ đang ăn năn với những bước đi quá nạng.
Người đoạn hậu là TGM Kiệt với cây gậy Mục Tử trong tay. Nhưng đây là lần khác thường duy nhất và cũng là lần cuối ở nơi đây. Ngài không có nét cười hiền hậu khi xưa. Không ban phép lành trên đường cho bất cứ ai. Và Ngài cũng không dừng bước khi có nhiều giáo dân muốn phá rào cản bảo vệ tiến về phía Ngài. Ngài lặng lẽ, chậm chạp. Lần đầu tiên cây gậy như quá nặng trong tay vị Mục Tử nhân hậu.
Đó là những tình cảnh bên ngoài. Phía bên trong lại có câu chuyện phản đề khác là: GM Nguyễn chí Linh trong bài chúc mừng có nói rằng:
“Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.”
Không chỉ là lời xác nhận lẻ loi ấy, Ngài còn tỏ ra rất công bằng khi nhận định và nhắc nhở mọi người là:
“… mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành…. “…dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. “… Nhưng nếu vì yêu mến Giáo Hội mà chúng ta loại trừ nhau thì không còn gì mâu thuẫn bằng. Khác biệt nhau nhưng vẫn sẵn sàng nhường nhịn, yêu thương nhau, vì một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đó mới là dấu chỉ chúng ta còn thuộc về Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập.”
Rất nhiều người đặt hy vọng vào bài nói chuyện của vị phó chủ tịch HDGMVN. Tìếc thay, khi âm vang của tiếng nói còn rộn rã trong lòng thì nhiều người đã bật khóc vì bài thơ của Tào Thực;
“Nấu đậu bằng giây đậu,
Đậu trong nồi đậu khóc,
Cùng trong một gốc sinh,
Sao giết nhau quá vội!”
Thưa GM Nguyễn chí Linh, Chỉ còn vài ngày nữa là TGM Ngô Quang Kiệt phải chấm dứt nhiệm vụ Mục Tử ở Hà Nội, là địa phận mà Ngài đã xác định rằng: “Khi nhận một giáo phận, vị giám mục phải suốt đời gắn bó yêu thương giáo phận đó”
Nay, mới 58 tuổi đời, Ngài lại phải… ra đi. Như thế là nghĩa gì và điều Ngài nói trên kia giải thích ra sao?
Xin kính tiễn vị TGM can trường vì Công Lý, vì Sự Thật của quê hương Việt Nam là Giuse Ngô Quang Kiệt, luôn đi trong bình an và ân sủng từ Trời Cao.
Bảo Giang