Translate this page: English French German Spanish Vietnam

Hành động và lời nói tiên tri của TGM Ngô Quang Kiệt
Hà Nội - Giáo Hội Việt Nam đang đương đầu với muôn vàn khó khăn: đòi hỏi công lý sự thật, đòi công bằng cho chủ quyền tải sản đất đai, đối đầu với công an dùng vũ lực gây thương tích cho giáo dân và thánh giá bị triệt hạ, v.v… Những ngày qua GHVN như bị đổ thêm dầu vào lửa qua tin giám mục Nguyễn Văn Nhơn được điều động về TGP Hà Nội với quyền kế vị phó TGM. Chủ quan lẫn khách quan mọi tầng lớp giáo dân đều quan tâm đến vận mệnh của TGM Ngô Quang Kiệt, một người rất được kính trọng, yêu mến và cũng là một vị mục tử can đảm đã đốt lên sáng ngời ngọn đuốc công lý để mọi người dõi theo. Giáo Hội Việt Nam thực sự đang lên cơn sốt vì TGM Ngô Quang Kiệt.

Đỉnh cao của sự kiện đã tới với ngày lễ đón Tân Tổng Giám Mục Phó của Giáo phận Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn vào sáng 7/05, khi Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh xác nhận: \"Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.\"

Chúng ta tạm gác sự việc bổ nhiệm phó TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn qua một bên và những ưu tư bức xúc của giáo dân, kể cả những chống đối công khai và ngấm ngầm oán trách, rồi đến việc thu thập hàng ngàn chữ ký gửi lên ĐTC Bênêđictô XVI.

Nơi đây chúng ta được phép tích cực nhìn lại hành động can đảm, lời nói tiên tri và gương sáng phục vụ của TGM Ngô Quang Kiệt tại thủ đô Hà Nội trong thời gian phục vụ vì đàn chiên của mình.

Gương phục vụ tha nhân vì Chạnh Lòng Thương

Điển hình nhất qua cơn lụt thế kỷ vào cuối tháng 10 năm 2008. Các báo chí lề phải theo chủ nghĩa vô thần cộng sản đã phải thốt lên một danh gọi của Kinh Thánh: „Cơn lụt Đại Hồng Thủy“. Ai ai cũng chạy lụt rồi thiếu ăn thiếu uống ngay trong nhà của mình. Người dân Hà thành còn nhớ quan to Phạm Quang Nghị đi tham quan trên bờ đê ở ngoại thành bằng xe xịn, đôi chân khô trong đôi giầy ngoại láng cóng không thấm một vấy bùn và đứng trên đê tay vung vít chỉ trỏ như là một anh hùng đang muốn điều nước thoát cho dân. Khi về đến nhà cao cửa rộng quan Nghị bèn dạy cho dân chạy lụt một bài học nhớ đời qua bài phỏng vấn của báo chí: “Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa „ỷ lại“ nhà nước lắm. Cứ chờ trên về (nghĩa là quá ỷ lại vào ta, ông quan Nghị), chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.” Tạm diễn nôm ra là bay bị lụt thì mặc bay đừng có than van với các quan. Nếu có trách là phải trách ông trời đổ mưa nhiều quá mà thôi.

Tin tức về lụt lội trên tivi trở nên rất tiết kiệm và hạn chế làm cho dân chúng không biết đường đâu để chạy lụt, đến nỗi một người dân phải phản ảnh trên báo: mấy cụ lãnh đạo nhà mình cứ thích bưng bít, đến khi không bưng bít được nữa mới thừa nhận lúc đó thì đã muộn rồi, chỉ khổ mỗi dân đen! Ông Phạm Quang Nghị không thể hiểu được người dân khổ sở vì lúc ấy “đi không nổi, lội không xong”. Có lẽ con số nạn nhân chết của lũ lụt tại Hà nội lên cao mới làm cho ông Nghị choáng váng mặt mày: Tính đến hết chiều 3/11, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 16 vụ tai nạn làm 20 người chết vì mưa lớn gồm: 7 người chết do bị nước cuốn (Ba Đình 1 người; Đống Đa 1 người; Từ Liêm 1 người; Hà Đông 1 người; Mỹ Đức 1 người; Chương Mỹ 1 người, Mê Linh 1 người (có 3 người chưa tìm thấy xác). Dân Hà thành thực sự hoảng hốt vì ra đường thì sợ, ở nhà thì… đói.

Lúc ấy đối với người mục tử Ngô Quang Kiệt hành động ra sao? Không dùng lời nói, chỉ bằng hành động của người mục tử vì đàn chiên bằng cách cụ thể nhất là xắn quần chống gậy lội nước đến nhà dân ủy lạo và chia sẻ nỗi khổ đau của họ. Một tấm gương phục vụ được các trang web công giáo đưa đi nhanh chóng bằng hình ảnh và (nực cười) sau đấy có người bắt chước ngay hành động xắn quần lội nước là ông Nguyễn Minh Triết. Tất nhiên ông được báo chí quảng cáo rầm rộ về lòng phục vụ nhân dân.

Nơi đây chúng ta không cần nhắc thêm đến các hoạt động mục vụ của TGM Ngô Quang Kiệt cho TGP Hà Nội, chỉ cần xem lại đoạn Video ngày lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện với những lời giới thiệu quan khách mạch lạc, trang trọng và nhắc đến tên của từng vị khách Việt và ngoại quốc mà không cần đến một tờ giấy ghi chú thì có thể nhận ra được trí tuệ và cách làm việc khoa học của ngài. Gương mẫu dấn thân chính là nhân tố cơ bản bái ái phục vụ hết lòng của TGM Ngô Quang Kiệt vì ngài sống với khẩu hiệu giám mục “Chạnh Lòng Thương.“

Xóa bỏ cơ chế XIN-CHO

Cơ chế Xin-Cho đang là chiếc dây thòng lọng thắt cổ bước tiến của Việt Nam đồng thời cũng là chiếc cầu tham nhũng cho bọn tham quan ngoi lên sống đời trưởng giả và từ đó đánh mất phẩm chất của người quan chức. Mọi tầng lớp xã hội và tôn giáo đều nhìn ra con mọt ghê tợn quốc gia này. Điều ngạc nhiên hơn cả là từ nơi guồng máy chính quyền cấp trung ương đến địa phương đều „chuẩn bệnh“ rất chính xác ra “con đỉa hút máu“ người dân bằng hai chữ Xin-Cho.

- Thí dụ ngày 7/6/2007, Bộ Nội vụ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức một hội thảo bàn về „cải cách hành chính Nhà nước“: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo hướng kiên quyết chuyển giao mạnh các chức năng, nội dung công việc không thuộc chức năng của hệ thống hành chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, dịch vụ công. Tập trung xóa bỏ triệt để hơn cơ chế \"Xin-Cho\" đối với các lĩnh vực, các cấp hành chính, cơ chế \"chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước\".

- Tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp theo hướng công khai, minh bạch việc khai thác tài nguyên khoáng sản tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững bằng cách xóa cơ chế “Xin-Cho” trong khai thác khoáng sản vào ngày 08/03/2010: Giải pháp để ngăn chặn, một mặt cần nâng cao thuế suất chính là để khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra, các nguồn tài nguyên khác cũng cần đánh thuế, chẳng hạn như tài nguyên nước mà lâu nay các công ty vẫn khai thác nước sạch để bán hoặc làm thuỷ điện không phải trả tiền. Mặt khác, phải thay đổi cung cách quản lý, cụ thể là dùng biện pháp kinh tế thay cho biện pháp hành chính đơn thuần, xóa tận gốc cơ chế \"Xin-Cho\" trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.

- Đặc biệt trong báo Hà Nội Mới, một cơ quan báo chí thù ghét TGM Ngô Quang Kiệt tận xương tủy vì ngài đã công khai đòi xóa bỏ cơ chế Xin-Cho, nhưng tờ báo này đã có một bài báo tường thuật về „tệ nạn Xin-Cho“ của nền kinh tế và xã hội khi dẫn chứng lời nói của đại biểu Hoàng Văn Lợi (tỉnh Bắc Giang): „Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát mức thu nhập của những người làm công, ăn lương, các công chức Nhà nước. Những tài sản mà họ có được nếu vượt quá mức thu nhập hằng ngày thì nhất thiết phải có sự giải trình. Bên cạnh đó, cần triệt để xóa bỏ tận gốc cơ chế Xin-Cho vì ông cho rằng, đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng phát triển“.

Theo HNM vấn đề chống tham nhũng, lãng phí nếu thực hiện xóa sạch Xin-Cho thì tệ nạn này có thể sẽ được giảm bớt đáng kể. Đó là cái nôi của tiêu cực trong lúc thi hành công vụ mà không luật lệ nào kềm chế được trong guồng máy của csVN. Quan to ăn theo quan to và bé ăn theo bé. Thêm một nhận xét đắng cay của đại biểu Lê Văn Cuông trước quốc hội: \"Tình hình tham nhũng, lãng phí thời gian qua không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ án trọng điểm tiến độ điều tra, truy tố, xét xử quá chậm và có biểu hiện \"đầu voi đuôi chuột\".

Từ việc Xin-Cho mới dẫn đến Vedan rồi lại tiếp theo việc phá hoại môi trường kinh hoàng của Tung Kuang xả chất thải xuống sông Cầu Ghẽ, từ tai nạn sập cầu Cần Thơ rồi lại đến Pháp Vân, mới đây nhất từ vài ngày qua lại xảy ra có thêm hiện tượng lún đường dẫn hầm Thủ Thiêm… Cho tất cả tai họa lớn lao đó từ con người làm ra chưa thấy một người chịu trách nhiệm chính (quan to nhất) thú tội trước toàn dân vì không làm tròn nhiệm vụ quản lý: họ đã dựa vào việc Xin-Cho để đưa đẩy cho nhau rồi cuối cùng kín đáo lẩn tránh trách nhiệm. Chúng ta còn nhớ đến câu nói để đời, tưởng chừng câu nói đùa thế kỷ của Nguyễn Tấn Dũng: “Hơn 3 năm nay tôi làm Thủ tướng tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào.” Các quan to của ông Dũng có thể làm mọi thứ dẫn đến nguy hại cho quốc gia mà vẫn ngồi yên được trên ghế của mình, chỉ cần lãnh đạo chủ chốt dàn xếp nội bộ là xong.

Dân chúng không dám trực tiếp phản kháng cho câu nói đùa trên, nhưng những bình luận nhẹ nhàng chẳng khác nào một cú tát tai vào mặt thủ tướng, cụ thể một nhận xét chính xác nhất về hậu quả của việc Xin-Cho: “Chúng ta đang làm ra rất nhiều loại sản phẩm với sự tham lam và vô trách nhiệm. Ngay cả cái gọi là “sản phẩm người” như xã hội lên tiếng cũng được làm ra với một “công nghệ” sai và một thái độ thiếu trách nhiệm. Vì thế mà chúng ta đã cười ra nước mắt khi có những học sinh lớp 6 mà đọc chưa thông viết chưa thạo. Rồi hàng trăm, hàng ngàn bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ không rởm vì chữ ký thật và dấu son thật nhưng người được cấp bằng có một kiến thức rởm. Nhưng điều quái lạ nhất là khi những người có trách nhiệm bắt buộc phải thừa nhận sự thật mà xã hội lên tiếng nhưng lại gọi đó là chuyện “bình thường” hoặc đổ lỗi cho những nguyên nhân bi hài và ngây ngô.”

Sự thật bi hài này đã xảy ra khi được nhắc lại trước UBND Thành Phố Hà Nội vào ngày 20/9/2008 về “Cơ chế Xin–Cho” qua lời phát biểu chân thành của TGM Ngô Quang Kiệt: “… Chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó.”

Thế là CSVN gán cho TGM Ngô Quang Kiệt tội phản động, xúi giục các vụ phản kháng, coi thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, phản bội tổ quốc, …

Nếu nhà cầm quyền csVN đã nhìn nhận ra thảm trạng tiêu cực của cơ chế Xin-Cho trong mọi hoạt động từ giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dưng, môi trường, đất đai, v.v… thì việc “tôn giáo” đòi xóa bỏ cơ chế Xin-Cho cũng là một điều tất nhiên và cần thiết để các tín đồ tôn giáo được tự do hành đạo và phát triển đạo mình.

TGM Ngô Quang Kiệt đã can đảm cất tiếng nói lời chân thành của toàn dân nói chung và của các tôn giáo nói riêng. Lời nói này hoàn toàn đúng sự thật để đưa ánh sáng rọi vào một guồng máy chính quyền đầy dối trá và bao che cho nhau.

Sự thật hiển nhiên nhận ra rằng các vị đại biểu quốc hội hoặc các báo chí đã loan tin chống lại cơ chế Xin-Cho nhưng không đủ can đảm có một lời bênh vực cho ý tưởng tốt của TGM Ngô Quang Kiệt, cho dù người dân đã nghe một lời thú tội rành rành từ miệng Phó Bí thư Thành ủy Sàigòn, bà Phạm Phương Thảo: “Không ít cán bộ còn lạnh nhạt với dân hoặc ngộ nhận quyền lực, hành xử với dân theo kiểu Xin-Cho”.

Có lẽ, đối với csVN việc đòi xóa bỏ cơ chế Xin-Cho đang là tác phẩm rất ‘độc quyền’ của TGM Ngô Quang Kiệt? Ngài đang đơn độc trên cuộc hành trình gian truân này, mặc dù hằng triệu người dân VN, cả giới trí thức lẫn người dân quê, từ thành thị đến thôn quê, từ tôn giáo giáo nhỏ đến tôn giáo lớn và ngay cả nhiều người đảng viên đều nhất quán phải diệt trừ tận gốc con đỉa hút máu Xin Cho. Thế đấy, TGM Ngô Quang Kiệt vẫn độc hành lặng lẽ như chẳng bao giờ có người bạn đồng hành bên cạnh.

Xấu hổ và nhục nhã vì đất nước nhiều tham quan mất phẩm chất

Cuộc thương khó của TGM Ngô Quang Kiệt đã được bắt đầu vào ngày 20/9/2008 tại UBND Thành Phố Hà Nội khi nói ra nguyện vọng chính đáng của một người yêu quê hương cũng như lo lắng cho vận mệnh tổ quốc, có lẽ từ một tấm lòng yêu nước nồng nàn hơn bao nhiêu người khác đang có mặt trong buỗi họp vẫn vỗ ngực tự xưng mình là đảng là dân tộc: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên” và tiếp theo với một tinh thần dân tộc vững vàng: “Người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm, và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”.

Những tên “sản phẩm người”, bắt đầu từ Nguyễn Thế Thảo trở nên mất tính người, mất lý trí rồi sau đó trơ tráo lôi kéo đồng bọn gồm toàn đảng csVN lẫn truyền thanh, truyền hình, báo chí, từ người lớn đến giới nhi đồng tham gia đánh hội đồng Đức TGM Ngô Quang Kiệt cho những lời chân thành đã bị csVN cắt xén với chủ ý gian lận về sự “nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”

Người dân Việt Nam chẳng cần đi đâu xa, ngay tại thủ đô Hà Nội cũng nhan nhản thấy được các tệ nạn làm cho xấu hổ đến quốc thể. Báo Dân Trí vào cuối tháng 3/2010 đưa tin về tệ nạn hàng rong tại Hà Nội quấy rối trầm trọng du khách nước ngoài. Báo tường thuật một nhóm phụ nữ khoảng 8 người với bình phong là những người làm nghề gồng gánh, buôn bán trên phố, họ trắng trợn ép du khách để lấy tiền bằng các thủ đoạn: ấn quang gánh vào vai du khách, ép chụp ảnh rồi đòi tiền “bo”, chèo kéo khách mua hàng giá cao...

Qua bài tường thuật này đã diễn tả chính xác tâm trạng xấu hổ của TGM Ngô Quang Kiệt vì đất nước khi bài báo viết: Nối tiếp nỗi bất bình của độc giả bốn phương về hình ảnh những “nữ quái” chuyên bắt chẹt du khách ở Bờ Hồ, hàng trăm phản hồi của bạn đọc lại được gửi tới Dân Trí, thể hiện “nỗi thất vọng, xấu hổ” của người Việt Nam với những bạn bè quốc tế.

Một vài phản ánh cụ thể từ độc giả tại Hà thành về tệ trạng hàng rong này, nơi ông Nguyễn Thế Thảo chịu trách nhiệm chính trong UBND thành phố:

- Bạn đọc Nguyen Thi Hanh: Tôi là một người dân sống ở khu vực này nên phải chứng kiến hình ảnh này hàng ngày. Bài báo đã phản ánh đúng nhưng vẫn chưa đủ các mánh lới của nhóm “nữ quái” này. Ngoài chèo kéo, bắt chẹt, tráo tiền, móc túi, trộm cắp của khách nước ngoài, bọn chúng còn ngang nhiên quây khách lại, dọa nạt khách và cướp tiền luôn. Đáng xấu hổ hơn, sau mỗi lần cướp được tiền của du khách, bọn chúng còn trắng trợn khoe nhau ngay tại chỗ như đang khoe một thành tích. Mỗi lần chứng kiến cảnh này, quả thật tôi thấy nhục nhã. Tôi cũng đã từng phản ánh hiện tượng này tới công an khu vực nhưng “không hiểu sao” họ cứ làm ngơ.

- Bạn đọc Lê Thu Hoài: Thật là xấu hổ cho người dân Việt Nam. Một hành động thiếu văn hóa diễn ra giữa Thủ Đô khi chúng ta chuẩn bị kỉ niệm 1.000 năm. Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng trên. Vì sắp tới nhiều du khách khắp nơi đổ về Trung tâm Thủ Đô để dự lễ kỉ niệm. Tôi mong sớm chấm dứt những hình ảnh xấu này.

- Bạn đọc Ha Hue: Chúng tôi luôn coi Hà nội là niềm từ hào của đất nước. Để xảy ra những hành động như vậy ở giữa trung tâm thủ đô là có tội với nhân dân. Vai trò của chính quyền, của các lực lượng chúc năng ở đâu? Chắc họ không thể không biết. Còn nếu biết mà vẫn để xảy ra thì…

- Bạn đọc Tran Nhan: Thật không thể chấp nhận được những hành động như thế. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc để ngăn chăn, cứu lấy hình ảnh nước Việt Nam trong con mắt người nước ngoài.

- Bạn đọc Dinh Gai: Không chỉ chứng kiến, tôi có một số người bạn, sau khi thăm nước ta, họ đã chia sẻ những cảm giác sợ hãi. Một người bạn tôi nói giống như họ phải sống với người hoang sơ. Chẳng phải chỉ những chuyện ngoài đường mà cả trong quán ăn, phương tiện di chuyển, trường học. Thật là xấu hổ!

- Bạn đọc Nguyen Quang: Chỉ có thể nói là quá xấu hổ, sốc và ghê tởm. Nó nói lên rằng văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam không chỉ tụt hậu mà còn đi lùi lại so với bạn bè thế giới. Chính quyền đã rất thiếu trách nhiệm! Nếu đặt mình vào vị trí những vị khách du lịch thì không thể tưởng tượng nổi, không những mất tiền mà còn bị ám ảnh.

- Bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh: Một thủ đô Văn hóa - Du lịch - Chính trị của cả nước tại sao lại có những hành động, cách cư xử thiếu văn hóa như vậy. Phải chăng đó là sự thờ ơ của xã hội, thờ ơ của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu những hành vi thiếu văn hoá, ý thức xây dựng như vậy tiếp tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp của Văn Hóa thân thiện, mến khách không chỉ của thủ đô mà còn là của cả một dân tộc.

- Bạn đọc Khuat Van Mau: Về cảm nhận của cá nhân, tôi cảm thấy rất buổn và xấu hổ vì điều đó và những việc tương tự vẫn xảy ra, không chỉ với người nước ngoài mà cả với người mình. Đối với người nước ngoài làm xấu đi một hình ảnh Việt Nam.

- Bạn đọc Tuan Nguyen: Là một sinh viên Việt Nam đang sống và học tập tại Nga tôi thấy thật sự thất vọng về thái độ cũng như nhân cách của những người đó. Bao nhiêu nỗ lực của người VN ở nước ngoài quảng bá cho VN đã trở thành con số 0 do những hành vi vô văn hóa của những người này. Nếu xét khách quan thì nguyên nhân là do những cá nhân đó, nhưng theo tôi lỗi thực sự là ở các cơ quan chức năng thiếu năng lực, người dân không được đào tạo về nhận thức một cách đầy đủ.

Trong báo Dân Trí đếm được tất cả 20 phản hồi mà đã có 9 phản hồi của độc giả bày tỏ sự xấu hổ và nhục nhã trước bạn bè thế giới về một sự kiện rất nhỏ trong cuộc sống người dân Hà thành.

Xa hơn nữa chúng ta theo dõi tin tức của người Việt sống tại Nga trong bài lược dịch của VietnamNet với tựa đề: Hình ảnh lao động Việt trong mắt người Nga? Bài báo tiếng Nga này được truyền đi cho công luận tại Liên Bang Nga. Là người Việt Nam, ai chẳng xấu hổ và nhục nhã khi phải đọc một đoạn sau nói về những người đang cầm hộ chiếu Việt Nam trên tay:

“Nhân công Việt Nam nhìn chung tuy rẻ, nhưng không thật hấp dẫn với các doanh nghiệp Nga nào làm ăn chăm chỉ, đúng luật. Người Việt trong mắt người Nga chăm chỉ nhưng hay ăn bớt thao tác của quy trình công nghệ (khuất mắt trông coi), khéo léo nhưng tay nghề không cao do dễ thoả mãn với mình (chưa thành tài đã thành tật), có ý thức đoàn kết lẫn với tính cục bộ, địa phương nặng nề, thường ra bộ thẳng thắn nhưng nói năng mập mờ, ấm ớ (темнить), trọng lễ nghĩa nhưng khá tùy tiện trong công việc, và cả trong đời sống, khi ra nước ngoài có xu hướng sống buông thả hơn, thông minh nhưng tư duy thiếu mạch lạc, vừa tằn tiện vừa hoang phí do tâm lý tiểu nông, và do hổng kiến thức cơ bản … Mê tín, hay đốt hương, vàng mã dễ gây hoả hoạn. Người Nga cho rằng người Việt hiện vẫn thuộc về văn hoá “cầu ao”, vẫn hay khạc nhổ, hay tiểu tiện bậy... Các công ty cung ứng lao động Việt Nam thường chỉ chạy thích mở rộng thị phần, không chú ý đến thương hiệu, làm dịch vụ một chiều, thậm chí lấy tiền xong là “đem con bỏ chợ”.”

Tiếp tục dựa theo ý của TGM Ngô Quang Kiệt chúng ta có thể nói thêm về nỗi xấu hổ nhục nhã cho hợp với hoàn cảnh hiện tại:

- Xấu hổ nhục nhã vì không dám chỉ mặt gọi đích danh „kẻ lạ“.

- Xấu hổ nhục nhã vì không bảo vệ được ngư dân của mình trước „kẻ lạ“.

- Xấu hổ nhục nhã để „kẻ lạ“ tự tăng tự tác lởn vởn ngoài vườn (vùng biển) của mình.

- Xấu hổ nhục nhã để „kẻ lạ“ cấm người Việt Nam bước chân vào vùng lưỡi bò là vùng biển của mình.

- Xấu hổ nhục nhã khi nhân viên thi hành phận sự kiểm lâm rồi bị côn đồ phá rừng đánh đập mà các người đồng sự khoanh tay đứng nhìn.

- Xấu hổ nhục nhã vì Việt Nam bị đề nghị xếp vào danh sách các nước hạng 3 về buôn phụ nữ và trẻ em.

- Xấu hổ nhục nhã vì Việt Nam là nơi sản xuất muối ăn mà không cạnh tranh được với muối nước ngoài.

- Xấu hổ nhục nhã vì Việt Nam không đủ khả năng sản xuất được con ốc vít cho công nghệ (đúng với tiêu chuẩn cao quốc tế) sau 35 năm thống nhất.

- Xấu hổ nhục nhã khi viết Welcome thành bảng to tướng WELL COME ngay giữa thủ đô Hà Nội.

- Xấu hổ nhục nhã hơn khi viết Bánh Chưng thì viết thành bánh TRƯNG ngay trước Đền Hùng dịp giỗ tổ Hùng Vương.

- Không xấu hổ nhục nhã sao được khi các loa đài và báo chí cổ võ cho 1.000 năm Thăng Long sẽ hứa hẹn nhiều hoành tráng về tổ chức, nhưng ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành của Tổng cục Du lịch cho là “đáng buồn”, “rất bất ngờ” và “khó nói” vào ngày 30/4 về lượng khách du lịch đến thành phố Hà Nội trong quý 1 vừa qua vẫn giảm đến 7,2% trong khi cả nước tăng 30,6%. Người dân Hà Thành hụt hững lúc nghe biện hộ rất trẻ con của ông Bình: “Một là, Thủ đô quá bận với những việc lớn, tổ chức các sự kiện văn hóa hoành tráng hướng tới Đại lễ nên không có thời gian chăm lo tới những việc… nhỏ”. Thật xấu hổ vì khách du lịch ngoảnh mặt với lễ hội nghìn năm Thăng Long đặc biệt này vì tổ chức và dàn dựng quá kém. Trong một Blog ở VN một bạn phản hồi rất nản lòng: “Cái nước mình nó thế mừ! Hu hu! Càng hò hét, càng tưng bừng, càng lễ đại thì có khi lại kéo tụt mình thấp lùn đi!”

- Xấu hổ nhục nhã to lớn nhất cho vị thủ tướng Việt Nam trên lộ trình đi đến Trung quốc vào ngày 26/4/2010 thì chính thời gian này Trung quốc tuyên bố báo chí cho biết rằng, họ đã bắt đầu cho hai tàu ngư chính 301 và 302 tuần tra thường xuyên ở Biển Đông nhằm hộ tống các tàu đánh cá của họ trong khu vực (biển của Việt Nam). Nếu là một nhà yêu nước biết gìn giữ chủ quyền quốc gia thì ông Dũng phải bãi bỏ chuyến đi để phản đối ra mặt. Còn không, bây giờ phải nhục nhã cúi mặt phục lệnh từ Phương Bắc, việc này cũng đồng nghĩa đưa hai tay dâng biển bảo cho “người lạ” như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã làm cách đây vài thập niên dâng công hàm cho Chu Ân Lai vào ngày 14/9/1958.

- Xấu hổ nhục nhã chẳng kém chi so với TT Dũng, mới đây chính tờ báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin: “Đại tướng Phùng Quang Thanh đã báo cáo với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu kết quả bước đầu của chuyến thăm, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước CHND Trung Hoa”. Nhục nhã quá, đường đường chính chính là vị Bộ trưởng Quốc phòng của một quốc gia có độc lập chủ quyền và đồng thời là một thành viên của LHQ đến thăm Trung Quốc rồi phải làm “báo cáo” với một tên cấp dưới của Tàu nhân dịp kỷ niệm 30-4. Đồng chí Từ Tài Hậu chỉ là vai vế Phó chủ tịch quân ủy TW của “nước lạ”.

Tạm kết

Cơ chế Xin-Cho đang tiêu diệt sức sống và sự vươn mạnh của dân tộc vì Xin-Cho tạo ra nhiều chồng chéo, kém hiệu quả hiện nay, sau cùng nó là bóng mát tuyệt vời cho tham nhũng ẩn mình.

Xấu hổ và nhục nhã trở thành vô cảm đối với 3 triệu đảng viên vì bên cạnh những thành quả hời hợt trước mắt về kinh tế, nhưng rất giàu có cho bản thân của họ và cùng lúc đồng phát sinh sự suy thoái đạo đức và văn hóa trầm trọng trong cuộc sống người đảng viên.

Chẳng lạ gì khi nhà báo Trương Duy Nhất đã viết bài thơ “Nhiều đứa đảng viên phải gọi là thằng” cho lên Blog của ông ngày 27/4/2010 để tố cáo tội trạng của những đảng viên. Vì theo ông đảng viên bây giờ đang phân hóa “sống như vua” và để thấy không phải người tốt nào cũng đều vào đảng. Cuối cùng ông Nhất đã nhìn thấy chân lý: “Ngoài đảng nhưng còn tốt hơn khối thằng trong đảng.”

Trong Blog của Trần Nhương chúng ta có thể đọc được nhiều thơ theo cách gọi của tác giả là góc Khúc Kha Khúc Khích nhằm đưa các độc giả đến mọi ngõ ngách éo le của cuộc đời, cũng như nhắc đến cách sống “bạt mạng bốc phân” của các đảng viên, ví dụ qua bài Bản Chất Tham Quan của Bành Thanh Bần sáng tác ngày 4/4/2010:

BẢN CHẤT QUAN THAM

Trên các phương tiện tuyên truyền

Đài, báo liên tục đưa tin đăng bài:

Tham nhũng mọi cấp, mọi nơi

Ngành nào cũng có những người bất lương!

Ăn nhà, ăn đất, ăn đường

Tượng đồng chiến sỹ Điện Biên, chẳng từ…

Năm ngoái khui chuyện bất ngờ

Ăn tiền nhà nước cấp cho dân nghèo

Tiền tết đã hẻo hèo heo

Đến tay hộ nghèo còn tí tì ti

Nhà nước rót xuống thứ gì

Là chúng nó lại tì tì véo ăn

Ăn tiền tuất, ăn mộ phần

Rừng vàng, chúng cắt bán dần ngoại bang!

Càng chống, chúng nó càng tham

Mưu ma chước quỷ thế gian khôn lường!

Càng chống, càng lì lợm hơn

Kết bè kéo cánh tai ương nước nhà

Thôi xin đừng chống nữa mà!

Nếu không ăn bẩn sao là quan tham:

Thử đặt hai thức lên bàn

Một bát phân một bát cơm, bảo rằng:

Bát cơm này, muốn được ăn

Cái thói đục khoét mọt dân phải chừa!

Còn đây là bát phân dơ

Tham nhũng không chừa thì cứ bốc ăn!

Dứt lời, các vị quan tham

Đều bốc phân để trên bàn lên ăn!!!

Ô hô! Công Bộc của dân!

- Một dẫn chứng mới nhất qua cuộc phỏng vấn của đài VOA với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 29 tháng 4 năm 2010, ông cho biết về tình trạng suy đồi của đảng csVN hiện nay: “Sở dĩ có chuyện Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nói một đằng, làm một nẻo là vì họ sợ mất quyền lợi của bản thân. Thực vậy, nếu chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ mất độc quyền lãnh đạo đất nước trong khi quyền lực lại là phương tiện làm giàu của đại đa số đảng viên có chức vụ. Tóm lại, việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước không gì khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp của một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa!” (http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-war-a-perspective-from-hanoi-4-29-10-92469969.html).

- Cùng tư tưởng đấy một người lính Bộ Đội đã chiến đấu vượt Trường Sơn trong hiểm nguy khói lửa trở về lại miền Bắc không thương tích, để rồi 35 năm sau với bao thất vọng chứng kiến “thế lực đầy tớ nhân dân” reo mừng kỷ niệm ngày Giải phóng 30/4/2010 hôm nay: “Hóa ra những người chiến sĩ Giải phóng chúng tôi bấy lâu đã bị một thế lực nhân danh sự nghiệp Giải phóng ngấm ngầm trói buộc vào một cỗ máy lấy xương máu chúng tôi và xương máu nhân dân để đúc thành ngai ghế vua quan cách mạng của họ. Tôi và nhân dân tôi lại tiếp tục đi, trong một không gian thanh bình trả giá bằng bao nhiêu xương máu để rơi vào một vòng nô lệ mới dưới ách bọn người tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm vua quan cách mạng”.

- Từ Hoa Kỳ dân biểu Ánh Joseph Cao, Hạ nghị sĩ của nước Mỹ mới tạt một gáo nước lạnh vào mặt nhà cầm quyền VN khi ông từ chối lời đề nghị của thứ trưởng Bộ ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn để làm con cờ hòa giải trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ với nhà nước VN. Chẳng là ông Sơn muốn lợi dụng tư cách của ông Ánh Cao để muốn xoá đi những „ngộ nhận và hiềm khích“ trong khối người Việt vì trong thư gửi ngày 31/03/2010 ông Sơn đã nhắc đến: \"… còn thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam và vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại Nhà nước Việt Nam.“ Dân biểu Ánh Cao phúc đáp rõ ràng về đường hướng chính trị ngày 29/4/2010 nhằm từ chối thứ trưởng Sơn: \"Tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là thiếu thông tin đúng đắn là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại“. Cuối thư lời của dân biểu Ánh Cao, đại diện cho nhân dân Hoa Kỳ như một tiếng chuông tố cáo mạnh mẽ: \"Tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung. Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận.”

Qua những dữ kiện đó chúng ta nhìn vào tòa Tổng Giám Mục Hà Nội thì nhận ra rằng TGM Ngô Quang Kiệt đang là một nhân cách lớn, một biểu tượng hiếm có trong thời đại csVN, có lẽ đốt đuốc đi tìm trong 3 triệu đảng viên csVN cũng chưa thấy được một nhân vật vững vàng và xứng tầm như TGM Kiệt. Đó là niềm rất tự hào cho những ai yêu thương đồng bào và dân tộc. Và chắc chắn rằng điều này ông chủ tịch Nguyễn Thế Thảo không thể nào lấy mất đi được từ con người TGM Ngô Quang Kiệt.

Sau cùng, xét rằng việc đi hay ở lại Hà Nội của TGM Giuse Ngô Quang Kiệt không làm giảm uy tín của người Mục Tử can trường này, đôi khi ngọn đuốc TGM Ngô Quang Kiệt lại tỏa rạng hơn bao giờ hết trong lòng người dân Việt Nam, người Công Giáo và trong lòng dân tộc. Chúng ta bây giờ phải chung tay giữ cho ngọn đuốc TGM Kiệt luôn cháy sáng và đưa ánh sáng này vào nơi tối tăm và bóng tối đầy hiểm ác của lòng người. Quan trọng hơn hết là đuốc sáng TGM Ngô Quang Kiệt phải mang lại cho mỗi người chúng ta sự an bình, sưởi ấm lòng tin yêu và chạnh lòng thương.

Một niềm hy vọng hiện thực và lớn lao, chúng ta vẫn còn nhớ đến một Vĩ Nhân của Giáo Hội Việt Nam và của Giáo Hội Hoàn Vũ đã phải một lần bị đày đọa tù đày trong 9 năm ở nhiều trại khác nhau tại miền Bắc, và cuối cùng bị quản chế 4 năm tại Giang Xá. Ngày 23/11/1988, ngài được csVN trả tự do và chỉ định nơi cư trú là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Sau đó, ngày 27/3/1989 người tù không có bản án này bị bắt buộc rời bỏ thủ đô Hà Nội ra đi nơi xứ người và đã làm tỏa sáng dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới: Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trong tương lai Giáo Hội Hoàn Vũ sẽ tuyên dương Ngài lên bậc Chân Phước.

Liên kết gửi đến Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội với lòng kính trọng sâu xa nhất.

(Hiệu đính ngày 12.5.2010)
Hà Long



» more Cartoon Collections


» more Cartoon Collections