Sơn Hà (Oct-2023)
Đã qua mấy chục thế hệ, dân tộc Do Thái sống lưu lạc nhiều nơi trên thế giới. Mỗi năm, họ thề sẽ trở về lập quốc trên chính mảnh đất cố hương, là vùng đất ngày nay, trong đó có quốc gia Israel và nhiều miếng đất được xem là lãnh thổ của quốc gia Palestine. Vùng đất này nằm chính giữa các quốc gia Egypt (Ai Cập), Lebanon, Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran (Ba tư), Iraq, Saudi Arabia (Ả Rập Saudi),… thường được gọi chung là vùng Trung Đông.
Hơn 2000 năm phải sống lang thang vô tổ quốc, dân tộc Do Thái đã kiên trì giữ đạo và tranh đấu dựng lại quê hương xứ sở. Cuối cùng, với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, tháng 11-1947, qua Nghị Quyết 181, mảnh đất ở chính giữa sông Jordan và bờ biển ngó ra Địa Trung Hải được trả lại cho người Do Thái và Ả Rập.
Qua hai cuộc thế chiến, rất nhiều người Do Thái bị giết trong nhiều trường hợp khác nhau. Dân tộc Do Thái khó sống còn nếu không có một quê hương để trở về. Sau Đệ II Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc vận động Anh quốc trả lại mảnh đất giữa sông Jordan và bờ biển Địa Trung Hải. Mảnh đất này được chia hai, một dành cho dân tộc Do Thái để thành lập quốc gia Israel, một cho người Ả Rập để thành lập Palestine. Tuy nhiên, người Ả Rập cứ bảo rằng, toàn bộ mảnh đất ấy thuộc về người Ả Rập, do Anh Quốc chiếm đóng và cai quản trong bao năm qua. Trong khi người Do Thái thì chấp nhận đây là mảnh đất quê hương ngàn năm của họ.
Tháng Năm-1948, dân tộc Do Thái thành lập quốc gia Israel và người Ả Rập thì không. Họ cho rằng, người Do Thái được chia những phần đất đáng lẽ phải thuộc về người Ả Rập. Sự kêu ca, giằng co kéo dài cho đến tháng 11-1988 mới có một chính phủ kháng chiến Palestine ra đời dưới sự lãnh đạo của tổ chức Palestine Liberation Organization – PLO (Tổ Chức Giải Phóng Palestine). Chỉ là chính phủ kháng chiến nhưng chưa có quốc gia.
Lãnh thổ trao cho người Do Thái lớn hơn phân nửa, 65% là sa mạc, trong đó không có Dải Gaza và West Bank. Dải Gaza là mảnh đất bờ biển Địa Trung Hải, tiếp giáp với Ai Cập ở phía nam và West Bank là mảnh đất nằm ở bờ phía tây sông Jordan, là các mảnh đất trù phú, được dành cho dân Ả Rập để thiết lập quốc gia Palestine.
Thánh địa Jerusalem vẫn còn được kiểm soát bởi Liên Hiệp Quốc, được chia làm ba cho ba tôn giáo lớn: Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Một phần đất ở phía tây của thánh địa thuộc quyền kiểm soát của Israel. Ở đó có thủ đô của Israel.
Đã có nhiều tổ chức của người Ả Rập nhân danh giải phóng Palestine, với mục tiêu đuổi người Do Thái ra khỏi khu vực. Sự tranh giành dai dẳng, nhiều cuộc chiến đã xảy ra trên vùng đất này, gây thương vong cho hàng triệu người Do Thái và Ả Rập.
Mới đây, vào ngày 7 tháng 10, 2023, đột nhiên quân đội HAMAS từ Dải Gaza bắn nhiều ngàn hoả tiễn vào vùng đất phía nam của Israel. Ngay sau hàng loạt hoả tiễn bắn bừa bãi vào vùng dân cư giết hại người Do Thái, có cả người Ả Rập-Palestine; rồi Hamas đổ bộ vào các thành phố của Israel giáp ranh với Dải Gaza. Quân Hamas giết chết dân Israel, bất kể quân nhân, thường dân, đàn bà, con trẻ,… và bắt nhiều người làm con tin.
Israel phản công và cuộc chiến Trung Đông diễn ra với các vũ khí tối tân hơn, giết chết nhiều người. Đến nay chưa có thống kê cho biết rõ có bao nhiêu người chết hay bị thương. Hàng trăm người Do Thái bị quân Hamas bắt làm con tin chưa biết số phận ra sao.
Một cách tóm lược, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu Hamas là ai? Dải Gaza và West Bank ở đâu, thuộc quyền kiểm soát của ai? Palestine Liberation Organization (PLO) là ai, có phận sự gì đối với người Ả Rập – Palestine? Fatah là ai? Hezbollah là ai? Quốc gia Israel được thành lập trong bối cảnh nào? Palestine được thành lập ra sao?…
HAMAS, chữ viết tắt của “Harakat al-Muqawamah al-Islamiyyah”, tiếng Anh là Islamic Resistance Movement – Phong Trào Kháng Chiến Hồi Giáo, là một tổ chức chính trị và quân sự của người Ả Rập (Palestine). Phong trào này được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine (gọi là Intifada) chống lại Israel. Đây là cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự có mặt của Israel. Họ không muốn thấy quốc gia Israel có mặt trên bản đồ.
Hamas có nguồn gốc từ Muslim Brotherhood (Anh Em Hồi Giáo) ở Palestine, một phong trào mang sứ mạng chính trị và Hồi Giáo Sunni. Trong lãnh vực chính trị, Hamas chịu trách nhiệm quản lý Dải Gaza. Tổ chức Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007, sau khi có xung đột với phe đối thủ là Fatah, cũng là một tổ chức nhân danh giải phóng Palestine.
Dân số ở Gaza khoảng 2 triệu người. Hamas hoạt động như một chính phủ, cung cấp dịch vụ và duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ. Về quân sự, Hamas được biết đến với tên gọi Lữ Đoàn Izz ad-Din al-Qassam, lực lượng này đã từng gây chiến với Israel trong nhiều năm qua, bao gồm các cuộc tấn công bằng hoả tiễn và khuấy nhiễu dọc biên giới. Hamas chủ trương đấu tranh võ trang, đòi chiếm lại toàn bộ các vùng đất đang bị Israel kiểm soát. Hamas gọi đó là vùng đất lịch sử của người Ả Rập.
Một đặc tính của Hamas là quá khích nên rất ít được các quốc gia trên thế giới chấp nhận. Hamas nhất định không muốn sự hiện hữu của quốc gia Israel. Hamas muốn đuổi hết tất cả người Do Thái ra khỏi vùng đất được thành lập gọi là Israel. Đã nhiều lần, Hamas xách động các cuộc thánh chiến, tiếng Ả Rập gọi là Jihad, chống lại những ai không theo Hồi Giáo.
Mới đây, Hamas lại phát động phong trào Jihad trổi dậy trên toàn thế giới. Đối với Hamas, sự có mặt của Israel là nguồn gốc của tất cả các cuộc xung đột trong vùng.
PLO là Palestine Liberation Organization, là một liên minh dân tộc Palestine, được quốc tế công nhận; là bộ phận đại diện chính thức của người dân Palestine. PLO được thành lập năm 1964, quy tụ nhiều nhóm kháng chiến với nhiều vị lãnh đạo, ông Yasser Arafat được tín nhiệm nhiều nhất. Năm 1974, trước Liên Hiệp Quốc, Yasser Arafat chấp thuận đàm phán về nền hoà bình cho Israeli-Palestinian.
Đến năm 1988, PLO từ bỏ mục tiêu ban đầu là đánh đuổi người Do Thái ra khỏi khu vực, và bắt đầu chịu thành lập quốc gia Palestine. PLO chấp nhận giải pháp hai quốc gia để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, bao gồm việc thành lập một chính quyền Palestine độc lập cùng với Israel. Đến nay, chỉ PLO là tổ chức chấp nhận sự hiện hữu và chỉ sử dụng phương thức đàm phán với Israel để đòi lại một số lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.
PLO quy tụ nhiều phe phái chính trị khác nhau, trong đó lớn nhất là Fatah. Chủ tịch hiện tại của PLO là Mahmoud Abbas. PLO có một lịch sử lâu dài và phức tạp, có khi dùng bạo lực nhưng phần lớn dùng phương thức ngoại giao để giành tư cách nắm quyền tại quốc gia Palestine.
Mặc dù là bộ máy bị xem là tham nhũng và quản lý yếu kém, PLO vẫn là tổ chức chính trị quan trọng nhất của Palestine. Đây là cơ quan đại diện đất nước Palestine được quốc tế công nhận và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine. PLO có trụ sở tại Ramallah, ở West Bank, và có văn phòng đại diện ở nhiều nước trên thế giới.
Fatah là một phong trào chính trị mang nặng chủ nghĩa dân tộc Ả Rập -Palestine, được thành lập vào năm 1959. Đây là một trong những phe phái chính trị lớn của người Palestine và đóng vai trò trung tâm của Palestine. “Fatah” là chữ viết tắt của “Harakat al-Tahrir al-Watani al-Filastini”, có nghĩa là “Phong Trào Giải Phóng Dân Tộc Palestine”. Tuy gọi là phong trào nhưng Fatah sinh hoạt như một đảng chính trị. Do Yasser Arafat, Khalil al-Wazir (Abu Jihad) và nhiều người khác thành lập với mục tiêu giành lại các vùng đất của người Palestine đang bị Israel chiếm đóng. Ý thức hệ của Fatah là thế tục, ngay từ đầu, chủ trương của Fatah là đòi lại toàn bộ lãnh thổ như thời Anh Quốc cai trị, trước khi Israel được thành lập.
Fatah không giống như Hamas; Fatah không có chương trình nghị sự tôn giáo. Fatah là thành viên lớn nhất của liên minh các Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO). Fatah đã tham gia nhiều cuộc đàm phán hòa bình với Israel, bao gồm Hiệp định Oslo năm 1993 và việc thành lập Chính Phủ Palestine (PA) sau đó, với quyền tự quản hạn chế ở một số khu vực ở West Bank và Dải Gaza.
Yasser Arafat, người lãnh đạo trong nhiều thập niên, là nhân vật nổi tiếng nhất có công thành lập Fatah. Sau khi qua đời vào năm 2004, Mahmoud Abbas (Abu Mazen) đảm nhận vai trò lãnh đạo Fatah và Chính quyền Palestine.
Fatah có mối quan hệ phức tạp và đôi khi xung đột với Hamas. Sự cạnh tranh giữa Fatah và Hamas đã dẫn đến sự chia rẽ ở thượng tầng lãnh đạo của Palestine, dẫn đến kết quả Fatah là thế lực chính yếu cai quản West Bank, và Hamas kiểm soát Dải Gaza.
Fatah vẫn là một nhân tố quan trọng trong nền chính trị Palestine và sẵn sàng tiếp tục giải quyết xung đột Israel-Palestine. Cách tiếp cận của Fatah tập trung nhiều hơn vào ngoại giao và đàm phán, không giống các nhóm khác, nặng phần quân sự hoặc tôn giáo.
Phía bắc của quốc gia Israel giáp ranh với Lebanon, là quốc gia có đa số dân chúng theo Hồi Giáo của cả hai hệ phái: Sunni và Shia. Lebanon có 1/3 dân số theo Thiên Chúa Giáo. Phần còn lại là hai hệ phái Sunni và Shia có tỷ lệ bằng nhau, có bản chất thù ghét Israel.
Tiếng Ả Rập, Hezbollah có nghĩa là “Đảng của Thượng Đế”. Hezbollah được hình thành và xây dựng các đội quân cảm tử, mang nặng tính tôn giáo. Hezbollah là lực lượng võ trang, tự nhận có trách nhiệm bảo vệ dân chúng ở phía nam của Lebanon và chủ trương đòi lại vùng đất đang bị Israel chiếm đóng. Vùng đất ấy thường được gọi là Cao Nguyên Golan.
Hezbollah có thế lực mạnh trong chính phủ Lebanon, nhưng không có liên hệ gì với chính phủ Palestine. Hezbollah là lực lượng thường hỗ trợ các cuộc nổi dậy ở Palestine vì có cùng kẻ thù là Israel.
Sau 40 năm dùng dằng, năm 1988, các phong trào mệnh danh là giải phóng dân tộc Palestine phải thừa nhận sự hiện hữu quốc gia Israel. Từ đó, các phong trào cùng nhau thành lập quốc gia Palestine. Thế nhưng, chưa bao giờ Palestine được quốc tế thừa nhận là quốc gia độc lập với nền kinh tế và chính trị ổn định. Thật vậy, dân tộc Ả Rập ở Palestine vẫn còn nuôi ý niệm rằng, người Do Thái đã đến đây cướp đất đai và tài sản của người Ả Rập, có khi còn xem Do Thái là kẻ thù. Đây là bản chất tâm lý khó có thể giải toả một sớm một chiều.
Ngay chính những người Ả Rập với nhau cũng không có sự thuận thảo để tập trung công sức lo việc xây dựng đất nước và kiến tạo nền hoà bình cho quốc gia Palestine.
West Bank– Lãnh thổ Palestine ở West Bank, bờ phía tây của sông Jordan, có khi được gọi là Tây Ngạn, được quản lý bởi Chính Quyền Palestine (Palestinian Authority-PA), có trụ sở tại Ramallah, do chủ tịch Mahmoud Abbas lãnh đạo. Dân số ở West Bank có khoảng 3 triệu người. Tuy gọi là chính quyền nhưng chỉ là nhà cầm quyền tự quản với mức độ khác nhau ở các khu vực trong West Bank, ràng buộc bởi Hiệp Định Oslo mà PLO đã ký kết với Israel vào năm 1993. Chính Quyền Palestine chịu sự chi phối bởi đảng chính trị Fatah.
Hiệp định Oslo (Oslo Accords) Được Hình Thành Ra Sao?
Hiệp định Oslo là một loạt các thỏa thuận giữa Israel và Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) nhằm thiết lập một khuôn khổ để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Điều quan trọng nhất trong số các thỏa thuận này là Hiệp định Oslo I, có tên chính thức là “Tuyên Bố Về Các Nguyên Tắc Về Thỏa Thuận Chính Quyền Tự Trị Lâm Thời” (Declaration of Principles on Interim Self-Government Arrangements).
Bối cảnh: Hiệp định Oslo ra đời từ các cuộc đàm phán bí mật được tổ chức tại Oslo, Na Uy vào đầu thập niên 1990. Các nhà ngoại giao Na Uy đã tạo điều kiện cho đại diện của chính phủ Israel và tổ chức PLO ngồi lại với nhau.
Hiệp định Oslo I (Tuyên bố về các nguyên tắc): là thỏa thuận đầu tiên trong tiến trình Oslo và được ký kết vào ngày 13 tháng 9 năm 1993, tại Toà Bạch Ốc ở Washington, D.C. Đây là một thỏa thuận tổng quát, nêu ra các nguyên tắc của chính quyền tự trị lâm thời đối với người Palestine.
Các điều khoản chính bao gồm việc thành lập Chính Quyền Palestine (PA), cơ quan này sẽ hạn chế quyền tự quản ở một số khu vực ở West Bank và Dải Gaza. Việc rút quân theo từng giai đoạn của lực lượng Israel khỏi các khu vực ở West Bank và Gaza. Cam kết đàm phán về một thỏa thuận lâu dài trong vòng 5 năm. Công nhận PLO là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine.
Hiệp định Oslo II: Thỏa thuận này, được ký vào tháng 9 năm 1995, gồm có nhiều chi tiết hơn về các thỏa thuận chuyển giao trách nhiệm dân sự và an ninh từ Israel sang Chính Quyền Palestine. Nó bao gồm các điều khoản cho cuộc bầu cử của người Palestine và việc tái khai triển lực lượng Israel.
Tình Trạng Vĩnh Viễn: Hiệp định Oslo được coi là một giải pháp tạm thời với thời khoá biểu 5 năm để đi đến giải pháp cuối cùng, giải quyết các vấn đề biên giới, người tị nạn và tình trạng của Jerusalem.
Tiến trình thực thi Hiệp định Oslo gặp nhiều thử thách và trì trệ trong nhiều năm, bao gồm bạo lực và việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư. Sự chia rẽ chính trị giữa những người Palestine cũng là yếu tố gây cản trở cho Hiệp định Oslo. Mặc dù vậy, Hiệp định Oslo có tác động đáng kể đối với sự mâu thuẫn giữa Israel-Palestine.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về quy chế vĩnh viễn gặp quá nhiều khó khăn và thỏa thuận hòa bình gần như không bao giờ đạt được.
Và, Hiệp định Oslo vẫn còn đong đưa thì chiến tranh xảy ra…
Làm thế nào mà Iran với Hồi giáo Shia lại có thể ủng hộ Hồi giáo Hamas Sunni?
Hồi Giáo có hai hệ phái lớn, là Sunni và Shia. Về bản chất, hai hệ phái này không thể ở chung một mái nhà. Lịch sử của Hồi Giáo chưa bao giờ cho thấy Sunni và Shia hợp nhất dù dưới hình thức nào. Tuy cả hai có cùng một tín ngưỡng nhưng nếp sinh hoạt tôn giáo của hai hệ phái này khác nhau. Nhìn vào hai quốc gia Iraq và Iran là hai quốc gia với đa số dân chúng theo một trong hai hệ phái tiêu biểu của Hồi Giáo là Shia và Sunni. Cả hai xem nhau như mặt trăng và mặt trời.
Sự ủng hộ của Iran Shia dành cho Hamas Sunni, có thể được hiểu qua lăng kính lợi ích chính trị và chiến lược chung. Trước tiên, việc Iran viện trợ quân sự cho Hamas là vì cả hai đều xem Israel là kẻ thù, theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Iran muốn phát huy ảnh hưởng lên khu vực Palestine, để chống lại ảnh hưởng của Ả Rập Saudi. Kế đến, Iran muốn dùng Hamas làm đòn bẩy chiến lược, là quân cờ tại khu vực Palestine, để từ Gaza thọc vào cạnh sườn Israel.
Người ta khó hình dung được sự phức tạp đang được phát triển ở Trung Đông. Mục tiêu và lợi ích chiến lược đã vượt lên trên các khác biệt về hệ tư tưởng và giáo phái. Nếu sự khác biệt về chính kiến của Sunni và Shia trong nội bộ của Hồi Giáo không còn nữa, thì đó là điều quan ngại sinh tử cho Israel, và cho cả Tây Phương.
Dải Gaza– Bờ biển Địa Trung Hải ở phía nam, giáp ranh với Ai Cập (Egypt), được quản lý bởi nhóm chính trị và chiến binh Palestine Hamas. Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Gaza năm 2006 và sau đó nắm quyền kiểm soát lãnh thổ, dẫn đến sự chia rẽ giữa West Bank và Dải Gaza.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm Israel, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, đã xác định Hamas là một tổ chức khủng bố, do tính chất tàn ác của các chiến binh Hamas.
Sự chia cắt trong giới lãnh đạo của West Bank và Gaza đã tạo ra những rạn nức đáng kể về chính trị, xã hội và kinh tế ở Palestine. Những nỗ lực nhằm hòa giải và thành lập một chính phủ Palestine thống nhất gặp nhiều trở ngại trong nhiều năm qua.
Chính Quyền Palestine (Palestinian Authority-PA), bộ phận quản lý các khu vực ở West Bank, gần giống tổng thống chế. Chủ tịch Mahmoud Abbas (chủ tịch tổ chức PLO) đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia. Palestine có một cơ quan lập pháp là Hội Đồng Lập Pháp Palestine. Tuy nhiên, cơ cấu quản lý chưa ổn định vì xung đột Israel-Palestine chưa được giải quyết và sự chia rẽ trầm trọng giữa West Bank và Gaza, nên Palestine bị xem là chính trị chưa ổn định.
Dân chúng Palestine ở West Bank và Dải Gaza có khi tỏ ra thất vọng vì sự chia rẽ khó hàn gắn giữa các phong trào mang danh “Giải Phóng Palestine”. Hiện tượng tham nhũng và thiếu tiến bộ trong những cuộc đàm phán với Israel là những yếu tố làm trì trệ tiến trình hoà bình cho Palestine.
Tôn giáo chính yếu ở Palestine -cả West Bank và Dải Gaza, là Hồi Giáo (Islam) theo hệ phái Sunni. Hồi Giáo theo hệ phái Shia chỉ là thiểu số.
Tôn giáo của các quốc gia chung quanh như Egypt, Jordan, Lebanon,… đều có đa số theo Hồi Giáo Sunni nên sẵn lòng hỗ trợ các phong trào của Palestine mỗi khi có cuộc nổi dậy, như dầu đổ vào lửa, làm cho những cuộc nổi dậy kéo dài vô tận.
Israel Lập Quốc và Kiến Thiết Quốc Gia
Dân tộc Do Thái có truyền thống lâu đời, gắn bó với nhau tạo nên một khối bền vững của những người Do Thái lưu lạc nhiều nơi trên thế giới. Dân Do Thái giữ vững tinh thần dân tộc là nhờ tấm lòng son sắt tin tưởng vào cuốn Thánh Kinh.
Israel được thành lập vào ngày 14/5/1948, khi David Ben-Gurion, người đứng đầu Cơ quan Do Thái (Jewish Agency) tuyên bố thành lập quốc gia Israel trên vùng đất lịch sử. Tuyên bố này diễn ra sau khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị Quyết 181 năm 1947, trong đó có ghi lời khuyến nghị phân chia thành hai quốc gia Israel và Palestine riêng biệt. Riêng Thánh Địa Jerusalem thì sẽ do một cơ quan quốc tế quản lý.
Sự tuyên bố thành lập quốc gia Israel dẫn đến một cuộc chiến giữa Israel và các quốc gia Ả Rập láng giềng, thường được gọi là Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 hay Chiến Tranh Giành Độc Lập.
Sau khi thành lập, Israel gặp phải những thử thách rất lớn trong việc xây dựng một quốc gia. Điều này bao gồm việc tiếp nhận một số lượng lớn dân Do Thái từ khắp nơi trên thế giới trở về cố hương. Trong số đó có nhiều người sống sót sau thảm họa Holocaust.
Trong nhiều chục năm, Israel đã phát triển một nền kinh tế vững mạnh, nền văn hóa sôi động và quân đội hùng mạnh. Israel luôn luôn phải khắc phục thiên nhiên, thường xuyên phải đối phó với những xung đột diễn ra với các quốc gia Ả Rập láng giềng và người dân Palestine. Dân số hiện nay của Israel vào khoảng 9 triệu người.
Israel là quốc gia đa dạng và thay đổi theo thời gian. Người dân Israel có nhiều quan điểm khác nhau về chính trị và xã hội. Tuy nhiên, Israel có một hệ thống đa đảng, chính phủ liên minh và phổ quát. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi liên minh chính trị và thay đổi sự lãnh đạo của chính phủ.
Israel là một nước cộng hoà và dân chủ nghị viện với hệ thống pháp luật hỗn hợp. Quốc Hội chỉ có một viện được dân chúng bầu ra, Quốc Hội bầu chọn Tổng thống, là chức vụ mang tính nghi lễ. Quyền hành của chính phủ nằm trong tay Thủ Tướng, là chủ tịch đảng đa số tại Quốc Hội. Thủ tướng hiện nay của Israel là ông Benjamin Netanyahu.
Tôn giáo chính ở Israel là Do Thái Giáo. Do Thái Giáo không chỉ là tôn giáo mà còn có vai trò văn hoá và bản sắc lịch sử của dân tộc Do Thái. Mặc dù ở Israel có sự hiện diện của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo,… Đời sống các tín đồ tuy khác nhau về tôn giáo nhưng có sự hoà hợp. Yếu tố này giúp cho Israel ổn định xã hội và phát triển quốc gia.
—oOo—
Ngay sau Đệ II Thế Chiến, cả hai Israel và Palestine đều có cơ hội lập quốc và xây dựng đất nước. Dân tộc Do Thái một lòng kiên trì xây dựng từ những đổ nát hoang tàn để có một quốc gia Israel hùng mạnh về quân sự lẫn kinh tế. Người Do Thái ở nhiều nơi lũ lượt trở về; người nào không về thì gởi tiền về đóng góp cho các chương trình kiến thiết quốc gia Israel.
Trong khi đó, người Ả Rập nhất định không thành lập quốc gia mà chỉ nuôi thù hận đổ lên đầu người Do Thái. Lòng căm thù và ganh ghét đã lấy đi 40 năm chỉ để giết chóc và trả thù. Đến khi phải ngồi lại với nhau để lập quốc thì cũng bất đồng ý kiến ngay trong nội bộ. Ngay chính người Ả Rập cũng thù ghét nhau đến nỗi gần 80 năm vẫn chưa có quốc gia Palestine độc lập. Đến nay, Palestine bị xem là một quốc gia chưa ổn định và chưa được quốc tế công nhận.
Người Ả Rập đã để lửa hận thù che khuất tương lai của một dân tộc có nền văn hoá và lịch sử lâu đời. Đáng lẽ Palestine cũng có khả năng vươn dậy không thua gì Israel.
Nhìn từ phía Hoa Kỳ, qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống, chưa có tổng thống nào có nỗ lực tích cực để kiến tạo một nền hoà bình cho Trung Đông, ngoại trừ Tổng thống Donald J. Trump. Tổng thống Trump di dời Toà Đại Sứ Hoa Kỳ về Jerusalem là một hành động làm chấn động thế giới. Mục tiêu nhắm đến không phải để làm hài lòng Israel. Ông Trump đã có nỗ lực kéo Israel và các quốc gia Ả Rập vào bàn hội nghị để tìm giải pháp hoà bình cho Trung Đông. Đó là Hiệp Định Abraham (Abraham Accord).
Khởi đầu là Thông Cáo Chung giữa Israel và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain, cùng ký vào ngày 13 tháng 8-2020. Lễ ký kết được long trọng tổ chức tại Toà Bạch Ốc Hoa Kỳ. Đến tháng 9-2020, Sudan tuyên bố bình thường hoá ngoại giao với Israel và đồng ý tham gia; tháng 10-2020, Ma-rốc cũng tham gia.
Hiệp Định Abraham tiến triển một cách đều đặn với nhiều triển vọng. Tổng thống Trump còn có một chương trình hành động cẩn thận gọi là “Kế Hoạch Hoà Bình Trung Đông” (Middle East Peace Plan), bằng phương thức hợp tác và phát triển kinh tế, kỹ nghệ và an ninh, hầu đem lại niềm hy vọng cho Palestine và các quốc gia phát triển trong vùng Trung Đông.
Cả thế giới mừng rỡ nhưng không trọn vẹn. Ông Trump thất cử nhiệm kỳ 2 và kế hoạch hoà bình ở Trung Đông bị bỏ dở dang. Rồi khi ông Biden bước chân vào Toà Bạch Ốc, lửa chiến tranh bùng lên ở Ukraine, chưa có dấu hiệu chấm dứt thì lại xảy ra cuộc chiến khác ở Trung Đông. Những nỗ lực hoà bình của ông Trump tan nhanh như bọt biển.
Chính lực lượng Hamas và Hezbollah đã khơi dậy sự thù hận và thổi lên thành cuộc thánh chiến, khiến lò lửa Trung Đông bùng cháy dữ dội. Chưa bao giờ như lúc này, cả thế giới mong đợi Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự và ngoại giao, và cần có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để ra tay can thiệp.
Sơn Hà (Oct.2023)
Dữ kiện lấy từ các nguồn sau đây:
– Israel Central Bureau of Statistics,
– Palestinian Central Bureau of Statistics,
– United Nations,
– Wikipedia,…
|
|
|